Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý 3/2023

Tăng trưởng GDP tiếp tục cải thiện, đạt 5,3% trong Q3, so với 4,1% trong Q2 và 3,3% trong Q1. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 4,2%.

tinh hinh kinh te vi mo viet nam quy iii 2023

Ảnh: tawatchai07

Khu vực Công nghiệp & Xây dựng

Khu vực Công nghiệp & Xây dựng đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 4 quý (+5,2% YoY), và nhờ đó giúp tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng GDP lên 38,6% trong Q3, so với chỉ 11,9% trong 6 tháng đầu năm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi khá tốt trong Q3 (+5,6% YoY, so với +0,6% trong Q2) trong bối cảnh tình hình đơn hàng có sự cải thiện, và giá cả nguyên vật liệu sản xuất đầu vào đi theo xu hướng giảm. Trong khi đó, ngành xây dựng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng gần 8%, chủ yếu nhờ đầu tư công được đẩy mạnh.

Dịch vụ

Khu vực Dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, với mức tăng 6,2% và đóng góp 53,3% vào tăng trưởng GDP. Tổng mức bán lẻ Q3 tăng 1,9% so với quý trước và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 7,3%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 6,6% và doanh thu dịch vụ tăng 10,2%. Du lịch duy trì được đà phục hồi tốt, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong Q3 đạt hơn 3,3 triệu, tăng 15,1% so với quý trước và cao gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu hàng hóa

Xuất khẩu hàng hóa Q3 đạt 94,6 tỷ USD, tăng 10,3% so với Q2, trong đó xuất khẩu tháng 9 đã tăng trưởng nhẹ trở lại (+4,6% YoY) sau khi sụt giảm liên tiếp 10 tháng. Nhờ vậy xuất khẩu Q3 chỉ còn giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi 6 tháng đầu năm giảm đến 12,0%.

Việt Nam tiếp tục duy trì thặng dư thương mại hàng hóa ở mức cao, đạt 8,6 tỷ USD trong Q3 và lũy kế 9 tháng đạt gần 21,7 tỷ USD, cao hơn 74,8% so với mức thặng dư của cả năm 2022.

Đầu tư công

Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy, với vốn thực hiện từ NSNN trong Q3 tăng 30,6% so với quý trước và tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Vốn FDI

Vốn FDI thực hiện trong Q3 đạt 5,9 tỷ USD, cao hơn 3,4% so với Q2 và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng của vốn FDI đăng ký duy trì ở mức cao 43,4% trong Q3, nhờ vốn đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh 70,0%.

Thị trường lao động

Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp Q3 giữ nguyên ở mức 2,3% như trong Q2.

Lạm phát

Về tình hình giá cả, CPI tháng 9 tăng 1,1% so với tháng trước, chủ yếu do giá gạo và giá xăng dầu tăng theo xu hướng giá thế giới. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục cũng tăng mạnh 8,1% và đóng góp 46% vào mức tăng CPI của tháng 9, khi nhiều địa phương điều chỉnh tăng học phí. Lạm phát tháng 9 vì vậy tăng lên 3,7%, cao nhất trong vòng 7 tháng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lạm phát đạt mức trung bình 3,2%.

Đăng ký thông tin để
được tư vấn đầu tư

Quý khách muốn đầu tư? Vui lòng để lại thông tin:

* Thông tin đăng ký được VCBF bảo mật.
Xin cám ơn.
Quý khách đã đăng ký thành công.
Chúng tôi sẽ liên hệ với Quý khách trong thời gian sớm nhất.
Xin vui lòng chờ...
back to top