Tuyên bố mới từ Tổng thống Trump về mức thuế 20% với hàng Việt khiến nhiều người chú ý. Nhưng thứ làm doanh nghiệp thật sự lo không phải con số, mà là cụm từ "hàng trung chuyển" – vẫn chưa ai định nghĩa rõ.
Theo tuyên bố mới đây của Tổng thống Hoa Kỳ về khung thỏa thuận thuế quan đối với thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ chịu mức thuế 20%. Chính phủ Việt Nam hiện chưa đưa ra công bố chính thức, do đó chưa rõ mức thuế này sẽ thay thế hay cộng thêm vào các mức thuế hiện hành. Đồng thời, cũng chưa rõ liệu tất cả các mặt hàng sẽ cùng chịu mức thuế 20%, hay đây là mức bình quân – với khả năng một số mặt hàng sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, trong khi một số khác có thể được áp mức thấp hơn. Do đó, các nhận xét của VCBF sẽ dựa trên các giả định mang tính thận trọng.
Nếu mức thuế 20% là mức đối ứng, được điều chỉnh giảm từ mức 46% theo tuyên bố trước đó của Chính quyền Tổng thống Trump (2/4), thì nhiều khả năng mức thuế này sẽ được chồng lên mức thuế hiện hành đang áp dụng cho từng mặt hàng. Đây cũng là mức thuế mà trước đây thị trường cũng đã dự đoán, dao động trong khoảng 20–25%. Hiện tại, Hoa Kỳ đang áp mức thuế cơ sở 10%, được ngầm hiểu là mức thấp nhất sẽ áp dụng cho tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa khoảng chênh lệch thuế giữa Việt Nam và các quốc gia được áp dụng mức cơ sở 10% đã được thu hẹp đáng kể, chỉ còn 10% thay vì lên đến hơn 20% như mức công bố vào ngày 2/4.
Đây là yếu tố tích cực, giúp trấn an phần nào lo ngại về khả năng suy giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khoảng cách 10% về thuế có thể chưa đủ lớn để làm xói mòn đáng kể lợi thế chi phí sản xuất của Việt Nam.
Điểm bất định lớn nhất hiện nay là cách định nghĩa “hàng trung chuyển”, vốn sẽ bị áp mức thuế 40%. Mặc dù Việt Nam đã siết chặt hơn trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để xác định nguồn gốc hàng hóa, tuy nhiên chưa rõ phía Hoa Kỳ có công nhận các nguyên tắc, tiêu chí cấp C/O của Việt Nam hay không.
Bên cạnh đó, vấn đề then chốt nằm ở cách chính quyền Trump sẽ diễn giải khái niệm “hàng trung chuyển” thế nào. Hiện tại, phía Hoa Kỳ vẫn chưa cung cấp định nghĩa rõ ràng, và do đó sẽ khiến nhiều nhà sản xuất lo ngại khi xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ.
Trong kịch bản tiêu cực nhất, nếu các nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh chỉ chịu mức thuế 10%, Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh trong các đơn hàng đơn giản, giá trị gia tăng thấp như áo thun.
Tuy nhiên, tác động đến các sản phẩm phức tạp hơn đòi hỏi kỹ năng lao động cao được dự báo là khá hạn chế. Thậm chí, Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đơn hàng nhóm sản phẩm phức tạp này ra khỏi Trung Quốc, nơi đang chịu mức thuế cao hơn đáng kể.
Biên lợi nhuận sản xuất dự kiến không bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thuế được tính trên giá xuất xưởng tại nhà máy, vốn thường chỉ chiếm 20-30% giá bán lẻ. Do đó, mức thuế 20% thực tế chỉ chiếm 4-6% trên giá bán lẻ, và hoàn toàn có thể được phân bổ dọc theo chuỗi giá trị, từ nhà cung ứng, nhà sản xuất, đến nhà bán lẻ. Điều này giúp cho biên lợi nhuận nhà sản xuất hay cầu tiêu dùng cuối cùng không bị ảnh hưởng quá đáng kể.
Hiện tại, phần lớn các sản phẩm điện tử vẫn đang được miễn thuế đối ứng. Tuy nhiên, các mặt hàng này có nguy cơ bị áp thuế theo ngành riêng biệt, sau các cuộc điều tra thương mại đang được chính quyền Hoa Kỳ tiến hành.
Rủi ro lớn nhất là các sản phẩm điện tử có khả năng bị gắn mác là “hàng trung chuyển” khi định nghĩa về vấn đề này chưa rõ ràng. Lý do là ngành điện tử tại Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Và điều này khó tránh khỏi, khi Việt Nam chủ yếu thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng và chuỗi cung ứng hàng điện tử của Việt Nam hiện tại gắn kết chặt chẽ với Trung Quốc.
Mặt tích cực là quan điểm nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ phía Hoa Kỳ có thể tạo động lực để các doanh nghiệp FDI mở rộng chuỗi cung ứng nội địa tại Việt Nam, từ đó có tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam trong tương lai.
Với việc sớm đạt được thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, yếu tố bất định đã suy giảm đáng kể, từ đó tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Điểm tích cực nhất của thỏa thuận này là việc thu hẹp chênh lệch thuế giữa Việt Nam và các nước sản xuất khác xuống mức tối đa 10%, từ đó giúp giữ vững lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mắt các tập đoàn toàn cầu.
Tuy nhiên, rủi ro xoay quanh định nghĩa “hàng trung chuyển” vẫn còn lớn, đặc biệt với nhóm ngành điện tử và các ngành có chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Xem tiếp
Vui lòng để lại thông tin để được tư vấn đầu tư: