Góc nhìn từ đội ngũ đầu tư VCBF: Sự hồi phục của các ngành kinh tế (phần 1)

Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã chuyển từ chiến lược “zero-Covid” sang một cách thức linh hoạt hơn nhằm kiểm soát dịch bệnh và cùng tồn tại với nó. Do đó, các biện pháp hạn chế đang dần được dỡ bỏ và quá trình mở cửa kinh tế đang được diễn ra. Bao phủ vắc xin là cốt lõi để thực hiện chiến lược này bền vững và Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc đảm bảo nguồn cung và triển khai tiêm chủng. Tính đến hiện tại, 42,7% dân số đã được tiêm đủ liều. Nguồn cung ứng và năng lực tiêm chủng hiện tại cũng đảm bảo sẽ giúp Việt Nam đạt mốc 75% dân số được tiêm chủng đầy đủ trở lên vào đầu năm 2022. Điều đó đã và đang cho phép chính quyền trung ương và địa phương lên kế hoạch mở cửa trở lại toàn diện.

Tốc độ phục hồi giữa các khu vực, ngành kinh tế và nhóm doanh nghiệp sẽ diễn ra không đồng đều. Khu vực công nghiệp sản xuất được kì vọng sẽ phục hồi nhanh nhất. Thực tế là chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI Index) trong tháng 10 đạt mức 52,1 điểm, tăng trở lại sau 4 tháng liên tiếp suy giảm, cho thấy điều kiện kinh doanh đã được cải thiện trong lĩnh vực sản xuất. Xuất khẩu cũng bắt đầu tăng tốc trở lại kể từ tháng 10 với mức tăng 6.8% so với tháng trước và 5.7% so với cùng kỳ khi nhu cầu mua sắm ở một số thị trường lớn như Mỹ tăng trưởng khả quan. Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ dự báo nhu cầu chi tiêu trong mùa mua sắm cuối năm 2021 ở Mỹ sẽ tăng 10% so với năm trước.  

Khu vực Thương mại, Dịch vụ sẽ phục hồi với tốc độ chậm hơn so với mặt bằng chung do các hạn chế đối với các hoạt động công cộng vẫn còn tồn tại ở một mức độ nhất định. Tuy vậy xu hướng chung vẫn là tích cực. Đơn cử, xu hướng di chuyển đến các địa điểm bán lẻ & giải trí đã có sự cải thiện đáng kể từ mức giảm 75% đầu tháng 9 lên mức giảm chỉ 25% so với trước dịch, theo số liệu thống kê của Google. 

Lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng cũng sẽ tăng tốc khi các công trình được tái khởi động sau một thời gian dài bị trì hoãn, cùng với đó là cam kết đẩy mạnh giải ngân đầu tư công từ Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới. Kế hoạch chi đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng (126,1 tỷ USD), cao hơn đến 49% so với năm năm trước đó.

 

kinh te viet nam 2021 vcbf kinh te viet nam 2021 vcbf

Ngành du lịch cũng đang có những dấu hiệu hồi sinh sau thời gian dài ngưng trệ. Chính phủ đang từng bước thí điểm đón khách quốc tế đến một số địa điểm du lịch từ cuối tháng 11 để tiến tới có thể mở cửa biên giới dần trở lại vào năm 2022. Ngành du lịch nếu khởi sắc trở lại sẽ tạo động lực tăng trưởng rất lớn cho nền kinh tế, khi riêng ngành này đã đem lại tới 32,8 tỷ USD trong năm 2019 và chiếm khoảng gần 10% lực lượng lao động. Tuy nhiên, khu vực này cần nhiều thời gian để hồi phục về mức trước đại dịch và sự phục hồi trong ngắn hạn sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi du lịch nội địa. Nguyên nhân chủ yếu là vì một số nước có số lượng du khách đến Việt Nam nhiều nhất như Trung Quốc (chiếm 40% tổng du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019) vẫn đang áp dụng chiến lược Zero-Covid. 

Đối với ngành ngân hàng, áp lực đã giảm bớt đáng kể sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại và các doanh nghiệp dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh mặc dù nhiều ngân hàng có thể phải ghi nhận chi phí dự phòng cao hơn trong quý 4 2021 khi nhiều khoản nợ xấu được phân loại vào nhóm cao hơn. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các ngân hàng còn phải đối mặt với nhu cầu tín dụng thấp khi nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng còn yếu. Tuy nhiên, nhìn chung nhiều ngân hàng được tin là sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay dựa vào vị thế và sự chuẩn bị tốt trước khi đợt bùng phát Covid xảy ra, bao gồm việc chuyển hướng cho vay các ngành nghề ít rủi ro và ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid hơn cũng như tập trung đầu tư ngân hàng số để duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ.   

 

 

<Còn tiếp>
 
-Bài đánh giá viết bởi anh Duy Nhân - VCBF Portfolio Manager-
 
Phần 2 sẽ được đăng tải vào thứ 5, ngày 02/12/2021, đánh giá về tác động của kinh tế đến các công ty tại Việt Nam. Mời Quý khách cùng theo dõi!
 
Nếu Quý khách muốn tham gia đầu tư Quỹ mở cùng VCBF, hãy liên hệ ngay để được tư vấn trực tiếp từ chuyên viên:
- Gọi (024) 39364540 - (028) 38270750
- Chat trực tiếp trên Website của VCBF: https://lnkd.in/fTQfcm9

 

Đăng ký thông tin để
được tư vấn đầu tư

Quý khách muốn đầu tư? Vui lòng để lại thông tin:

* Thông tin đăng ký được VCBF bảo mật.
Xin cám ơn.
Quý khách đã đăng ký thành công.
Chúng tôi sẽ liên hệ với Quý khách trong thời gian sớm nhất.
Xin vui lòng chờ...
back to top