|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lời khuyên cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu từ chuyên gia của Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024

12:56 | 31/10/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, phân tích tài chính và quản lý quỹ sẽ chia sẻ nhiều hơn các góc nhìn, nhận định về triển vọng đầu tư năm 2024 tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền” diễn ra vào ngày 9/11/2023 tại TP HCM.

 

Thị trường giảm mạnh gần đây và đánh mất hết thành quả tăng điểm từ đầu năm. Theo ông, đâu là tác nhân chính dẫn đến đợt giảm giá mạnh này?

Ông Nguyễn Triệu Vinh: Sau khi đạt mức tăng trưởng khả quan trong quý II và nửa đầu quý III, thị trường chứng khoán bắt đầu suy giảm cho đến nay khi có nhiều yếu tố bất lợi tác động lên tâm lý nhà đầu tư.

Về mặt vĩ mô, chỉ số đồng USD đã mạnh lên kể từ giữa tháng 7/2023, tăng 6,3% tính đến cuối tháng 9. Khi một số chỉ số vĩ mô ở Mỹ như tăng trưởng GDP 2,1% trong quý II và tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 ở mức thấp 3,6% cho thấy nền kinh tế số một thế giới vẫn trong điều kiện tốt.

 Nguồn: Wichat.vn

Bên cạnh đó, yếu tố chi phí đẩy trở nên đáng lo ngại hơn khi giá dầu tăng khá mạnh trong suốt quý III (dầu thô Brent tăng 27,2%) trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt sau khi Ả Rập Saudi và Nga tiếp tục chính sách cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm nay. Các yếu tố này lại làm dấy lên nỗi lo về lạm phát.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), như dự kiến, đã duy trì quan điểm diều hâu và trong cuộc họp mới nhất vào tháng 9 đã nâng dự báo lãi suất điều hành cho năm 2024 (5,1% so với 4,6%) và 2025 (3,9% so với 3,4%). Điều này cho thấy tổ chức này sẽ tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài hơn. Các yếu tố này đã gây áp lực lên tỷ giá, đặc biệt khi Việt Nam đang áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng. Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu phát hành tín phiếu kho bạc từ ngày 21/9.

Dù sự can thiệp của NHNN chưa gây ra bất kỳ biến động đáng kể nào trên thị trường liên ngân hàng nhưng có lẽ nhà đầu tư đang lo ngại về sự đảo ngược chính sách tiền tệ của Việt Nam và do đó trở nên thận trọng. Ở châu Á, những thông tin kém khả quan về sức khoẻ của nền kinh tế và khủng hoảng thị trường bất động sản của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư.

Bán giải chấp được cho là một nguyên nhân khác khiến thị trường điều chỉnh mạnh hơn. Tổng dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường đã tăng nhanh lên mức 143,5 nghìn tỷ đồng vào cuối quý II và sau đó là 156,0 nghìn tỷ vào cuối quý III, cao nhất kể từ đầu năm nay và chỉ thấp hơn so với mức đỉnh gần đây nhất là 184,4 nghìn tỷ đồng vào cuối quý I/2022. Do đó, áp lực bán giải chấp tăng khi thị trường điều chỉnh.

Gần đây nhất, vào ngày 26/10, sự kiện một số nhà đầu tư bán cổ phiếu Vinhomes (VHM) với khối lượng lớn ở mức giá sàn đã gây ra áp lực lớn lên cổ phiếu này cũng như hai cổ phiếu của các công ty có liên quan là Vingroup (VIC) và Vincome Retail (VRE). Ba cổ phiếu này chiếm tỷ trọng khoảng 11% trong VN-Index. Vì vậy, áp lực bán nhanh chóng lan ra toàn thị trường và khiến chỉ số giảm 4,2% chỉ trong một phiên.

Một điểm cần chú ý là theo thông tin mà chúng tôi có được thì các nhà đầu tư này bán cổ phiếu VHM là để tham gia vào giao dịch mua trái phiếu của VIC được phát hành vào ngày 25/10 vì trái phiếu này có điều khoản cho phép họ mua lại cổ phiếu VHM trong tương lai ở một mức giá xác định.     

Với góc độ của một nhà quản lý quỹ đầu tư theo tầm nhìn dài hạn, thông thường VCBF sẽ hành động như thế nào vào những giai đoạn tương tự? 

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thành công trong đầu tư chủ yếu đến từ hai yếu tố là lựa chọn được công ty tốt và mua ở mức giá hấp dẫn. Khi thị trường tăng điểm thì khả năng chúng ta mua được cổ phiếu tốt ở mức giá rẻ sẽ thấp hơn.

Do đó, chúng tôi cho rằng những lúc thị trường điều chỉnh mạnh như hiện nay là những cơ hội tốt để mua cổ phiếu của các công ty chất lượng cao ở mức giá phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi tin rằng những khó khăn hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn và nhìn về trung về dài hạn thì tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất khả quan.

Điều này được thể hiện qua con số giải ngân FDI trong 9 tháng đầu năm nay, 15,9 tỷ USD và là mức giải ngân cao nhất trong 5 năm. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng đa dạng hoá sản xuất ra khỏi Trung Quốc là không thể đảo ngược và Việt Nam vẫn được đánh giá là nước hưởng lợi lớn nhất là xu hướng này.

Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị hoá, xanh hoá, số hoá là các xu hướng lớn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm nữa. Cũng theo quan điểm giá trị và dài hạn, biến động giá cổ phiếu không làm thay đổi giá trị của công ty và về trung và dài hạn thì giá cổ phiếu sẽ phản ảnh giá trị thực của công ty.

Vì vậy, hiện nay chúng tôi vẫn kiên định nắm giữ cổ phiếu của các công ty tốt và tận dụng các cơ hội thị trường điều chỉnh để đầu tư thêm hoặc tái cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng của các cổ phiếu có tiềm năng tăng giá ít và đầu tư vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng giá cao hơn nhưng vẫn đảm bảo tính đa dạng của danh mục.

VCBF có lời khuyên nào đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu trong đợt này không? Với các nhà đầu tư đang giữ tiền thì sao? 

Với mức điều chỉnh 15,0% từ ngày 8/8 - 26/10, định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn với mức P/E trượt của VN-Index là 14,6 lần. Lợi nhuận của doanh nghiệp được dự báo sẽ cải thiện năm 2024 khi kinh tế hồi phục, định giá của thị trường chứng khoán dựa vào lợi nhuận năm 2024 trở nên hấp dẫn hơn với mức P/E 10,8 lần, thấp hơn nhiều so với mức P/E bình quân trung vị của chỉ số trong 15 năm qua là 14,5 lần.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp và điều đó có lợi cho nhu cầu đầu tư vào các loại tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu.

Nhìn chung, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tiếp tục phân bổ một phần tài sản của mình vào cổ phiếu với tỷ trọng phù hợp với tầm nhìn trung và dài hạn. Nhưng nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ các công ty trước khi ra quyết định đầu tư. Nếu không có đủ thời gian hoặc chưa tích lũy đủ kiến thức thì có thể đầu tư thông qua các quỹ mở được quản lý bởi các đội ngũ chuyên nghiệp.

Theo VCBF, đâu là nhóm cổ phiếu tiềm năng có thể giúp danh mục nhà đầu tư đạt hiệu suất tốt hơn so với thị trường?

Chất lượng công ty luôn là một trong các yếu tố quan trọng nhất trong đầu tư. Do đó, trong mọi điều kiện thị trường, chúng tôi khuyên rằng các nhà đầu tư chỉ nên đầu tư vào các công ty có nền tảng cơ bản tốt. Có thể khi thị trường hồi phục (diễn biến trong quá khứ của chỉ số VN-Index cho thấy thị trường luôn hồi phục sau khi giảm mạnh trên 20%) thì các cổ phiếu mang tính đầu cơ sẽ hồi phục nhanh hơn. Nhưng trong điều kiện kinh tế vĩ mô đang còn nhiều khó khăn thách thức như hiện nay, các công ty không có nền tảng tốt phải đối diện với nhiều rủi ro kinh doanh.

Đối với VCBF, khi lựa chọn công ty và cổ phiếu, chúng tôi xem xét cả tiềm năng tăng giá và rủi ro và ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu của các công ty có mức tăng giá đã tính đến rủi ro (risk-adjusted return) cao hơn. Cụ thể, chúng tôi yêu thích các công ty mà có thể duy trì đà tăng trưởng doanh thu lợi nhuận ngay cả trong điều kiện kinh tế gặp nhiều thách thức như một số công ty trong ngành công nghệ thông tin, dịch vụ tiện ích và dược phẩm.

Một số cổ phiếu ngân hàng cũng có định giá hấp dẫn đặc biệt là khi rủi ro suy giảm chất lượng tài sản đã giảm khi kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực hơn và khi lãi suất giảm. Cũng vì lý do này, tôi cho rằng cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng là sự lựa chọn tốt.  

Hoàng Trung