Nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dòng tiền trong nền kinh tế

P.V-Thứ tư, ngày 26/04/2023 16:51 GMT+7

VTV.vn - Nhiều giải pháp được đưa ra hỗ trợ nền kinh tế và DN trong thời gian gần đây như giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy nhà ở xã hội, đề xuất giãn hoãn nợ.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, nhiều giải pháp được đưa ra hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian gần đây như việc giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy nhà ở xã hội, đề xuất giảm thuế, giãn hoãn nợ, cơ cấu lại các nhóm nợ… sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, qua đó thúc đẩy dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế, cũng từ đó sẽ giải quyết bài toán thanh khoản cho thị trường chứng khoán...

BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông cũng đã thấy những áp lực bên trong và bên ngoài đã và đang tác động đến nền kinh tế, và dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế cũng đang bị thu hẹp. Theo đánh giá của các ông thì sao?

Nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dòng tiền trong nền kinh tế - Ảnh 1.

Ông LÊ QUANG CHUNG, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS)

Ông LÊ QUANG CHUNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS): Theo chúng tôi đánh giá, tổng vốn đầu tư trong cho phát triển xã hội trong quý I/2023 đạt khoảng 583.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng vốn FDI giảm giảm nhẹ 1,1 %, vốn của khối tư nhân tăng nhẹ 1,8%, còn lại tập trung vào nguồn vốn của đầu tư công. Có một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, lãi suất dù có giảm nhưng vẫn còn khá cao. Thứ hai, tổng cầu trên thế giới cũng như Việt Nam đang khá yếu, vì thế các doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư thêm để tăng quy mô sản xuất. Động lực chính cho nền kinh tế thời gian này, như mọi người cũng đã nhìn thấy rõ, đó chính là đầu tư công và đầu tư công được giải ngân khá tốt với mức tăng trưởng 11,2 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông NGUYỄN TRIỆU VINH, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF): Nhìn lại thời điểm quý III và nửa đầu quý IV/2022, khi đó thanh khoản của nền kinh tế suy do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi. Đầu tiên là đồng USD đã tăng giá mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Và khi đó để hỗ trợ cho đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách bao gồm việc bán đồng USD ra thị trường và sau đó là tăng lãi suất điều hành. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi tin rằng thanh khoản của nền kinh tế đã tốt hơn rất nhiều. Cụ thể, USD đã suy giảm sau khi lạm phát bên Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, thặng dư thương mại cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài khả quan thì Ngân hàng Nhà nước trong quý I vừa qua đã mua khoảng 4 tỷ USD và từ đó gia tăng nguồn cung tiền đồng trong nền kinh tế. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm lãi suất điều hành và trước đó là cấp "room" tín dụng mới cho các ngân hàng.

Nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dòng tiền trong nền kinh tế - Ảnh 2.

Ông NGUYỄN TRIỆU VINH, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF).

BTV Mùi Khánh Ly: Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều chính sách đã được đưa ra hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp như giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy nhà ở xã hội, rồi đề xuất giảm thuế… Vì sao dòng tiền trên thị trường vẫn chưa cải thiện, theo các ông?

Ông LÊ QUANG CHUNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS):

Theo chúng tôi, dòng tiền đã bắt đầu có dấu hiệu tốt hơn khi Nhà nước đưa ra các chính sách nới lỏng hơn. Nhưng các chính sách thường có độ trễ nhất định. Đầu tiên là việc giảm lãi suất huy động thì cũng phải mất một thời gian nữa lãi suất cho vay mới giảm theo. Thứ hai, chính sách về thuế VAT hiện tại đang là dự thảo và nếu nó được áp dụng thì có thể cũng phải từ 1/7/2023. Vấn đề thứ ba là các chính sách nhà ở xã hội vẫn đang chờ những thông tư hướng dẫn và chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Ông NGUYỄN TRIỆU VINH, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF):

Tôi và các đồng nghiệp ở VCBF đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian gần đây. Thực tế là GDP trong quý I/2023 của Việt Nam tăng trưởng khá khiêm tốn, ở mức 3,3% và chủ yếu được thúc đẩy bởi sự hồi phục của khu vực dịch vụ. Tôi cho rằng các chính sách giảm lãi suất và thúc đẩy đầu tư công sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, nhất là đầu tư công. Vì nếu chúng ta có một cơ sở hạ tầng tốt hơn, điều đó sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn FDI trong trung và dài hạn. Thứ hai là tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc tháo gỡ những nút thắt pháp lý rất quan trọng và điều đó sẽ thúc đẩy sự luân chuyển của dòng vốn trong nền kinh tế. Ví dụ, một dự án chưa có đủ điều kiện pháp lý thì doanh nghiệp không thể mở bán, nhà đầu tư không thể mua và ngân hàng không thể giải ngân cho vay.

Tuy nhiên, mặc dù thanh khoản đã tốt hơn nhiều nhưng chi phí vốn nhìn chung vẫn ở mức cao, lãi suất huy động 12 tháng dao động từ 7,2 % cho tới 9% tùy ngân hàng và do đó, lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao. Bên cạnh đó, do điều kiện vĩ mô còn nhiều thách thức nên một số ngân hàng tỏ ra thận trọng trong việc giải ngân cho vay, như vậy doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận vốn vay hơn trước đây. Điều này được phản ánh qua tăng trưởng tín dụng thấp 2% trong quý I năm nay.

Nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dòng tiền trong nền kinh tế - Ảnh 3.

BTV Mùi Khánh Ly: Trong số các chính sách đó, có một chính sách nhà đầu tư đang rất quan tâm, đó là Thông tư 02 của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Vậy theo các ông, việc thông tư được thông qua thì sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế và sự luân chuyển của dòng tiền?

Ông LÊ QUANG CHUNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS):

Chắc chắn đây là một thông tin nhà đầu tư rất quan tâm. Theo đánh giá của chúng tôi, có một số mặt tích cực có thể nhìn thấy. Thứ nhất là đối với ngân hàng thương mại, thông tư sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại giảm đi việc trích lập dự phòng nợ xấu trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đối với các doanh nghiệp thì có hai tác động. Thứ nhất, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn trong bối cảnh nhu cầu về vốn gia tăng, cũng như dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn hơn. Thứ hai, đối với doanh nghiệp được giãn nợ, sẽ giúp cho doanh nghiệp chưa phải trả nợ trong giai đoạn mà dòng tiền đang thu hẹp, cũng như việc kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp những khó khăn.

BTV Mùi Khánh Ly: Nếu nói riêng về dòng tiền trên thị trường chứng khoán thì sau những chính sách hỗ trợ được đưa ra, thanh khoản của thị trường có cải thiện đôi chút nhưng lúc tăng lúc giảm không ổn định. Theo các ông là vì sao?

Ông LÊ QUANG CHUNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS):

Theo thống kê nhiều năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, vùng đáy luôn luôn là vùng mà thanh khoản thị trường không cao. Yếu tố thứ hai, theo như chúng tôi thống kê, trước đây có khoảng 25% đến 30% thanh khoản thị trường phụ thuộc vào một nhóm đầu cơ cao của một tập đoàn bất động sản thì đến bây giờ, nhóm cổ phiếu này cũng đã gần như đóng băng, hoặc là bị hủy niêm yết. Vì thế, việc thanh khoản của thị trường bị ảnh hưởng bởi nhóm này cũng là điều dễ hiểu. Về yếu tố thứ ba, khi mà thị trường đang giao dịch ở quanh ngưỡng 1.000 đến 1.100 điểm và hiện thị trường đang không còn áp lực cung quá nhiều, cho nên chúng tôi đánh giá, thị trường sẽ ở vùng này và đi lên trong thời gian tới.

Ông NGUYỄN TRIỆU VINH, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF):

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán biến động trong giai đoạn hiện nay nhìn chung là theo xu hướng giảm. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân ngày của ba sàn chứng khoán ở Việt Nam giảm từ mức 1,8 tỷ USD vào tháng 11/2021 và hiện nay chỉ còn khoảng 0,4 tỷ USD vào tháng 3 vừa qua. Có rất nhiều lý do cho thực trạng này, sau khi vừa trải qua một năm đầy khó khăn thì tôi tin rằng nhiều nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang duy trì một tâm lý rất thận trọng, đặc biệt là trong điều kiện vĩ mô còn nhiều thách thức và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp cho một số quý tới không quá khả quan. Bên cạnh đó, lãi suất huy động mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức cao nên thanh khoản chưa thực sự cải thiện rõ rệt.

BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông cũng đã nhận định, chính sách nào cũng có độ trễ nhất định, vậy thì thời gian tới nền kinh tế sẽ ra sao và dòng tiền trên thị trường sẽ có sự cải thiện như thế nào?

Ông LÊ QUANG CHUNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS):

Theo chúng tôi đánh giá, hiện tại P/E của thị trường đang tầm khoảng 12 lần và chúng ta đang trở lại mức của 2019. Thứ 2, khi mà lãi suất hạ thì sẽ làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp khi phần chi phí lãi giảm xuống sẽ được bù đắp thẳng vào lợi nhuận của doanh nghiệp và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt lên. Chúng tôi theo dõi các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đều thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã bắt đầu chạm đáy và đi lên. Như vậy, chúng tôi đang đánh giá, thị trường sẽ tốt dần lên từ quý II, quý III trong năm 2023. Khi đó thanh khoản thị trường cũng sẽ được cải thiện.

BTV Mùi Khánh Ly: Còn các nhà đầu tư nên có phương án như thế nào vào lúc này thưa các ông?

Ông LÊ QUANG CHUNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS):

Như tôi đã trao đổi, chúng ta đang ở mức P/E của 2019 và với đánh giá của chúng tôi thì thị trường đang ở một mức khá hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu những doanh nghiệp tốt, có mức định giá hấp dẫn và đầu tư dài hạn trong thời gian tới.

Ông NGUYỄN TRIỆU VINH, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF):

Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, những lúc thị trường kém sôi động là những lúc mà chúng ta có nhiều cơ hội để đầu tư vào các công ty tốt với mức định giá hấp dẫn. Chúng tôi vẫn kiên định với chiến lược đầu tư giá trị, ưa thích các công ty có ban lãnh đạo giỏi và trung thực, các công ty có lợi thế cạnh tranh tốt và có vay nợ ít. Ngoài ra, nhìn tổng thể điều kiện thị trường hiện nay, tôi nhận thấy cơ hội đầu tư tốt ở ba nhóm công ty. Nhóm đầu tiên là các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và thậm chí, có thể tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mặc dù vĩ mô còn nhiều khó khăn. Chúng ta có thể kể đến các công ty trong nhóm ngành công nghệ thông tin, dược phẩm, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu, một số ngân hàng có chất lượng tài sản cao và rủi ro thấp. Nhóm thứ hai là các công ty có doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng kém trong thời gian vừa qua như các công ty bán lẻ, phân phối bất động sản, xây dựng và các công ty dệt may nhưng định giá các công ty này đã giảm nhiều. Chúng ta có thể tìm được công ty mà chúng ta tin rằng doanh thu và lợi nhuận của họ sẽ hồi phục hoặc tăng trưởng mạnh hơn sau khi kinh tế vĩ mô ổn định. Một nhóm khác là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng gần đây bao gồm xu hướng đầu tư công và hồi phục của ngành du lịch. Nhìn chung hiện nay, các danh mục của chúng tôi đang có sự cân bằng giữa các công ty trong ba nhóm này.

BTV Mùi Khánh Ly: Vâng, xin cảm ơn hai ông về những thông tin vừa rồi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước