MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư chứng khoán ra sao trong bối cảnh thanh khoản thấp?

Đầu tư chứng khoán ra sao trong bối cảnh thanh khoản thấp?

Theo chuyên gia VCBF, sau khi vừa trải qua một năm đầy khó khăn, nhiều nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang duy trì một tâm lý rất thận trọng, đặc biệt là trong điều kiện vĩ mô còn nhiều thách thức và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp cho một số quý tới không quá khả quan. Bên cạnh đó, lãi suất huy động mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến thanh khoản chưa thực sự cải thiện rõ rệt.

Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn tương đối ảm đạm dù có nhiều thông tin hỗ trợ. Vậy cơ hội lúc này ra sao là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF) đã có những đánh giá về tác động của loạt chính sách thời gian gần đây tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

BTV Mùi Khánh Ly: Những áp lực bên trong và bên ngoài đã và đang tác động đến nền kinh tế, và dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế cũng đang bị thu hẹp. Ông đánh ra sao về điều này?

Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF)

Nhìn lại thời điểm quý III và nửa đầu quý IV/2022, khi đó thanh khoản của nền kinh tế suy do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi. Đầu tiên là đồng USD đã tăng giá mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Và khi đó để hỗ trợ cho đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách bao gồm việc bán đồng USD ra thị trường và sau đó là tăng lãi suất điều hành. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi tin rằng thanh khoản của nền kinh tế đã tốt hơn rất nhiều. Cụ thể, USD đã suy giảm sau khi lạm phát bên Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, thặng dư thương mại cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài khả quan thì Ngân hàng Nhà nước trong quý I vừa qua đã mua khoảng 4 tỷ USD và từ đó gia tăng nguồn cung tiền đồng trong nền kinh tế. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm lãi suất điều hành và trước đó là cấp “room” tín dụng mới cho các ngân hàng.

Thời gian gần đây, nhiều chính sách đã được đưa ra hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp như giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy nhà ở xã hội, rồi đề xuất giảm thuế…vì sao dòng tiền trên thị trường vẫn chưa cải thiện?

Tôi và các đồng nghiệp ở VCBF đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian gần đây. Thực tế là GDP trong quý I/2023 của Việt Nam tăng trưởng khá khiêm tốn, ở mức 3,3% và chủ yếu được thúc đẩy bởi sự hồi phục của khu vực dịch vụ. Tôi cho rằng các chính sách giảm lãi suất và thúc đẩy đầu tư công sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, nhất là đầu tư công. Vì nếu chúng ta có một cơ sở hạ tầng tốt hơn sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn FDI trong trung và dài hạn. Thứ hai là tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc tháo gỡ những nút thắt pháp lý rất quan trọng và điều đó sẽ thúc đẩy sự luân chuyển của dòng vốn trong nền kinh tế. Ví dụ, một dự án chưa có đủ điều kiện pháp lý thì doanh nghiệp không thể mở bán, nhà đầu tư không thể mua và ngân hàng không thể giải ngân cho vay.

Tuy nhiên, mặc dù thanh khoản đã tốt hơn nhiều nhưng chi phí vốn nhìn chung vẫn ở mức cao, lãi suất huy động 12 tháng dao động từ 7,2 % cho tới 9% tùy ngân hàng và do đó, lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao. Bên cạnh đó, do điều kiện vĩ mô còn nhiều thách thức nên một số ngân hàng tỏ ra thận trọng trong việc giải ngân cho vay, như vậy doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận vốn vay hơn trước đây. Điều này được phản ánh qua tăng trưởng tín dụng thấp 2% trong quý I năm nay.

Nếu nói riêng về dòng tiền trên thị trường chứng khoán thì sau những chính sách hỗ trợ được đưa ra, thanh khoản của thị trường có cải thiện đôi chút nhưng lúc tăng lúc giảm không ổn định. Theo ông là vì sao?

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán biến động trong giai đoạn hiện nay nhìn chung là theo xu hướng giảm. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân ngày của ba sàn chứng khoán ở Việt Nam giảm từ mức 1,8 tỷ USD vào tháng 11/2021 và hiện nay chỉ còn khoảng 0,4 tỷ USD vào tháng 3 vừa qua. Có rất nhiều lý do cho thực trạng này, sau khi vừa trải qua một năm đầy khó khăn thì tôi tin rằng là nhiều nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang duy trì một tâm lý rất thận trọng, đặc biệt là trong điều kiện vĩ mô còn nhiều thách thức và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp cho một số quý tới không quá khả quan. Bên cạnh đó, lãi suất huy động mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức cao nên thanh khoản chưa thực sự cải thiện rõ rệt.

Nhà đầu tư chứng khoán nên có phương án như thế nào vào lúc này ạ?

Trong chiến lược đầu tư của VCBF, chúng tôi rất quan tâm đến thanh khoản của mỗi cổ phiếu, do đó, hầu hết các cổ phiếu có trong danh mục của chúng tôi đều có thanh khoản rất tốt. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm cá nhân tôi thấy rằng những lúc thị trường kém sôi động là những lúc mà chúng ta có nhiều cơ hội để đầu tư vào các công ty tốt với mức định giá hấp dẫn. Chúng tôi vẫn kiên định với chiến lược đầu tư giá trị, ưa thích các công ty có ban lãnh đạo giỏi và trung thực, các công ty có lợi thế cạnh tranh tốt và có vay nợ ít.

Ngoài ra, nhìn tổng thể điều kiện thị trường hiện nay, tôi nhận thấy cơ hội đầu tư tốt ở ba nhóm công ty. Nhóm đầu tiên là các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và thậm chí, có thể tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mặc dù vĩ mô còn nhiều khó khăn. Chúng ta có thể kể đến các công ty trong nhóm ngành công nghệ thông tin, dược phẩm, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu, một số ngân hàng có chất lượng tài sản cao và rủi ro thấp. Nhóm thứ hai là các công ty có doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng kém trong thời gian vừa qua như các công ty bán lẻ, phân phối bất động sản, xây dựng và các công ty dệt may nhưng định giá các công ty này đã giảm nhiều. Chúng ta có thể tìm được công ty mà chúng ta tin rằng doanh thu và lợi nhuận của họ sẽ hồi phục hoặc tăng trưởng mạnh hơn sau khi kinh tế vĩ mô ổn định. Một nhóm khác là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng gần đây bao gồm xu hướng đầu tư công và hồi phục của ngành du lịch. Nhìn chung hiện nay, các danh mục của chúng tôi đang có sự cân bằng giữa các công ty trong ba nhóm này.

Bảo Anh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên